Tác động của di cư nội địa tới đời sống người cao tuổi Việt Nam (Sách chuyên khảo)
4.5
1299
Lượt xem
0
Đã bán
Chọn sản phẩm
1 Tháng
  • 1 Tháng
  • 3 Tháng
  • 6 Tháng
  • Vĩnh viễn
15.000₫
Thành tiền 15.000₫
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Lao động - Xã hội
Người dịch:
Năm XB:
2020
Loại sách:
Ebook;
Khổ sách:
14.5 x 20.5 (cm)
Số trang:
182
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
nxbldxh-89
Mã ISBN Điện tử:
978-604-82-3816-2

Với những thành công vượt bậc trong việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình trong nhiều thập kỷ qua, dân số Việt Nam đang tiến dần về giai đoạn cuối của “quá độ dân số” mà ở đó tỷ suất sinh giảm nhanh và tuổi thọ ngày càng được cải thiện (Giang và Pfau, 2010). So với các quốc gia phát triển thì Việt Nam sẽ đối mặt với tốc độ già hóa nhanh hơn gấp hai lần trong bốn thập kỷ tới đây. Cụ thể, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi (từ 7% lên 14%) trong thời gian chưa tới 20 năm, trong khi các nước phát triển (như Thụy Điển, Pháp, Mỹ...) phải mất từ 75 năm đến 100 năm (Barbieri, 2006). Báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA, 2011) cho thấy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “bắt đầu già” từ năm 2011 khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chạm ngưỡng 7%.

Cùng lúc đó, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh cũng đã làm cho việc sắp xếp cuộc sống của người cao tuổi (sau đây được viết tắt là NCT) thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là NCT ở khu vực nông thôn - nơi có tới gần 70% dân số cao tuổi đang sinh sống (UNFPA, 2011). Trước đây, mẫu gia đình truyền thống, đặc biệt là các gia đình ở khu vực nông thôn, là gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống và chia sẻ nguồn lực. Tuy nhiên, sự thay đổi từ mẫu gia đình truyền thống sang mẫu gia đình hạt nhân (đặc biệt là gia đình chỉ có hai vợ chồng cao tuổi sống với nhau hoặc chỉ có ông bà sống với cháu, chắt) lại ngày càng rõ rệt. Một trong những yếu tố làm thay đổi cuộc sống NCT, đặc biệt là NCT ở khu vực nông thôn, là việc di cư của những người con trong độ tuổi lao động nhằm mục đích chính là tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, tốc độ di cư, đặc biệt là di cư nội địa, diễn ra nhanh chóng kể từ giữa những năm 1990 đến nay. Theo Tổng cục Thống kê (2012), trong giai đoạn 1999 - 2009, tỷ lệ di cư liên vùng đã tăng gần 1,5 lần (từ 19 người/1000 dân vào năm 1999 tăng lên 30 người/1000 dân vào năm 2009) và con số này ngày càng tăng trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê (2016), trong số hơn 83 triệu dân từ 5 tuổi trở lên tại thời điểm 01/04/2014, trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra thì có 1,7% (tương ứng với 1,4 triệu người) di cư trong huyện; 2% (tương ứng với 1,6 triệu người) di cư giữa các huyện; và 3,1% (tương ứng với 2,6 triệu người) di cư giữa các tỉnh.

Vấn đề di cư để kiếm sống của con cái có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người ở lại quê nhà, đặc biệt là cha, mẹ cao tuổi của họ. Nhìn chung, người lao động di cư sẽ có đóng góp tích cực về mặt kinh tế cho gia đình thông qua tiền và hiện vật mà họ gửi về cho người thân và qua đó cũng góp phần đảm bảo thu nhập cũng như có điều kiện nâng cao sức khỏe cho cha, mẹ già và những người trong gia đình ở lại quê nhà (ví dụ, xem nghiên cứu của Cameron và Cobb-Clark (2005) về người cao tuổi ở Indonesia; Giles và Mu (2006) về người cao tuổi ở khu vực nông thôn Trung Quốc; Chandore (2009) về đời sống của người cao tuổi ở Cambodia). Tuy vậy, việc con cái - lực lượng lao động chính trong gia đình - đi xađã để lại không ít các tác động bất lợi cho cha, mẹ già ở quê của họ như sự lo lắng cho cuộc sống bấp bênh của con cái họ nơi đô thị, cảm giác cô đơn tuổi già khi con cái đi xa, phải gánh vác thêm công việc gia đình và xã hội thay con, hay không có người giúp đỡ công việc đồng áng... (ví dụ, xem nghiên cứu của Gautam (1999) về mối quan hệ giữa người di cư với người cao tuổi ở Nepal; HelpAge International Moldova (2010) về tác động của di cư đến người cao tuổi ở Moldova; Antman (2011) nghiên cứu về tác động của con cái di cư ra sang Mỹ đến đời sống của người cao tuổi ở Mexico).

Cho đến nay, ở Việt Nam cũng đã có một số các nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của việc con cái di cư, nhưng các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá vai trò của tiền gửi về từ con cái đi làm xa đối với cuộc sống của cha, mẹ cao tuổi của họ. Ví dụ, nghiên cứu của Barbieri (2006) cho thấy rằng việc con cái di cư đi làm ăn xa được kỳ vọng là có những ảnh hưởng tích cực đáng kể và đa chiều lên cuộc sống của cha, mẹ già ở nông thôn ở Việt Nam - nơi mà các khoản an sinh xã hội cho NCT còn ít và trách nhiệm chăm sóc NCT phần lớn vẫn là từ người thân trong gia đình và cộng đồng. Phân tích của Giang và Pfau (2008) cho thấy việc nhận tiền gửi từ con cái và các chương trình an sinh xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo cho NCT, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn. Tiếp đó, Giang và Pfau (2010) kết luận thêm rằng việc sống cùng con cái hay nhận tiền gửi về từ con cái di cư (kể cả di cư nội địa và di cư quốc tế) đang ngày càng giúp NCT giảm nghèo và cải thiện cuộc sống. Nguyễn Việt Cường (2008) chứng minh rằng việc nhận tiền gửi cả từ di cư ra nước ngoài và trong nước đều làm tăng thu nhập và chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho hàng hóa phi lương thực của người nhận tiền gửi (trong đó có NCT). Lê và Nguyễn (2011) cho rằng, việc di cư của con cái có khả năng cải thiện tốt hơn thu nhập và điều kiện sống của cha, mẹ và những người thân còn lại ở quê nhà thông qua những khoản tiền và hàng hóa gửi về, nhưng nghiên cứu này không phân tích rõ là cha, mẹ họ được hưởng bao nhiêu từ tiền do con cái họ gửi về và ảnh hưởng của người di cư lên sức khỏe và đời sống tinh thần của cha, mẹ già ở quê như thế nào. Nhìn chung, những nghiên cứu này mới chỉ tập trung chủ yếu vào tác động của tiền gửi tới giảm nghèo và bình đẳng chứ chưa đánh giá một cách toàn diện về cả khía cạnh kinh tế, sức khỏe và xã hội của tác động của di cư tới đời sống của các đối tượng trong gia đình, trong đó có NCT với tư cách là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Với mong muốn trao đổi cùng bạn đọc luận cứ khoa học về tác động của di cư nội địa tới đời sống người cao tuổi Việt Nam, cuốn sách “Tác động của di cư nội địa tới đời sống của người cao tuổi Việt Nam” sẽ cung cấp những bằng chứng khoa học cho việc hoạch định chính sách liên quan tới người lao động di cư, đặc biệt là di cư nội địa và NCT ở Việt Nam.

Do hạn chế về thông tin và kiến thức, chắc chắn cuốn sách sẽ không tránh khỏi những sai sót, tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả.

 

Bình luận

0/1500

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất