907 lượt mua
Hotline khách lẻ:
0965111197Hotline khách sỉ:
02439741791 - 0904833681Năm XB: | 2025 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 19 x 27 (cm) | Số trang: | 204 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | Mã ISBN Điện tử: | 978-604- 82-8369-8 |
Miền núi phía Bắc là nơi có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng cũng như nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và văn hóa du lịch. Đây là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Mường, Sán chay, Sán Dìu, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Giáy và một số dân tộc khác với tổng dân số khoảng hơn 7 triệu người. Do đặc điểm văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán sinh sống, môi trường khí hậu của mỗi dân tộc có những điểm khác nhau nên hình thức kiến trúc nhà ở truyền thống vùng miền núi phía Bắc rất đa dạng, phong phú, giàu giá trị văn hóa kiến trúc bản địa.
Kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hiện đang lưu giữ hai nhóm giá trị, gồm: Nhóm giá trị thứ nhất về văn hóa vật thể là di sản văn hóa kiến trúc có giá trị, cần đánh giá và lưu trữ, phát huy góp phần bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn nói chung và kiến trúc nhà ở các dân tộc thiểu số nói riêng vùng miền núi phía Bắc; nhóm giá trị thứ hai là văn hóa phi vật thể, đó là bảo tồn, lưu trữ các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy văn hóa lối sống, tín ngưỡng đối với các dân tộc thiểu số.
Quá trình di dân nhằm phát triển kinh tế giữa từ miền xuôi lên miền núi, di dân giữa các tỉnh, giữa các dân tộc dẫn đến sự giao thoa văn hóa, pha trộn các nhóm sắc tộc tạo ra sự biến đổi đa dạng về không gian văn hoá vùng miền núi phía Bắc. Đồng thời sự giao thoa văn hóa cũng dẫn đến những biến đổi lớn trong môi trường văn hoá và xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Ngày nay, dưới tác động của đô thị hoá cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội nên kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số đang bị mai một dần, thậm chí có nguy cơ sẽ biến mất. Thay thế vào đó là những ngôi nhà bê tông cốt thép nhiều tầng, vững chắc nhưng vô cảm, nặng nề, những kiểu nhà “thành thị hóa” dưới miền xuôi ngày càng được xây dựng nhiều trên các bản, làng miền núi phía Bắc. Điều này ảnh hưởng đến không gian và môi trường ở cũng như các giá trị văn hóa kiến trúc nhà ở truyền thống, làm biến dạng những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc mai một các giá trị truyền thống sẽ làm mất dần đi bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời làm mất đi những kinh nghiệm quý giá được lưu truyền qua nhiều đời trong việc xây dựng những ngôi nhà cổ truyền phù hợp với văn hóa của từng dân tộc, phù hợp với môi trường thiên nhiên.
Vì vậy, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa di sản và bản sắc dân tộc, Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009 đã chỉ rõ: “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Cần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu về văn hoá ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới”.
Bình luận