841 lượt mua
Hotline khách lẻ:
0965111197Hotline khách sỉ:
02439741791 - 0904833681Năm XB: | 2020 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 14.5 x 20.5 (cm) | Số trang: | 164 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | nxbldxh-29 | Mã ISBN Điện tử: | 978-604-82-3756-1 |
Bom mìn vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân, là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trong một thời gian dài, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ do các bên sử dụng. Chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo thống kê, nước ta còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh, gần 20% diện tích đất đai ở nước ta bị ô nhiễm bom mìn và hơn 100.000 người bị chết và bị thương từ sau cuộc chiến tranh. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của đất nước. Hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh: ảnh hưởng đến con người, đời sống xã hội; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; Ảnh hưởng đến các Chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trật tự, an toàn xã hội...
Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21 tháng 4 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội... Ban Chỉ đạo được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH là Phó trưởng ban và các thành viên là Lãnh đạo các Bộ, Ban Ngành, đoàn thể Trung ương... Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn; đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình. Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác quý báu của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cùng với việc ban hành các chính sách, việc tổ chức thực hiện cũng được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực. Đến nay đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu bom mìn các loại, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ.
Việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư cũng được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ quốc tế đã được Chính phủ và các tổ chức của Việt Nam quan tâm, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ tài trợ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hàng trăm năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn. Việt Nam mong muốn và nỗ lực để trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước ta cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc; nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình; tích cực rà phá bom mìn cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình 504, thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tạo ra động lực thực sự để đạt được mục tiêu của Chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho thực hiện Chương trình. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các địa phương ở một tầm nhìn xa hơn, thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn để tham mưu cho Chính phủ, các địa phương điều phối năng lực triển khai Chương trình.
Để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và để nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại... tác giả Lưu Hồng Sơn đã phối hợp với Nhà xuất bản Lao động - Xã hội tổ chức biên soạn cuốn “Khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam - sự bình yên cuộc sống”. Cuốn sách này được biên soạn nhằm cung cấp cho bạn đọc bức tranh tổng thể về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm khắc phục hậu quả bom mìn. Bên cạnh đó cũng hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và cách sơ cứu, cấp cứu đối với nạn nhân bom mìn.
Trong quá trình biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để bổ sung, hoàn thiện trong những lần tái bản sau.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bình luận