767 lượt mua
Hotline khách lẻ:
0965111197Hotline khách sỉ:
02439741791 - 0904833681NXB | Nhà xuất bản Xây dựng | Người dịch: | |
Năm XB: | 2015 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 20.5 x 24 (cm) | Số trang: | 252 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | Mã ISBN Điện tử: | 978-604-60-2066-0 |
Cây chè (Camellia sinensis Kuntze) phân bố từ 45o vĩ Bắc đến
45o vĩ Nam. Hiện nay có 58 nước sản xuất chè, trong đó tại châu Á có 20 nước, châu Phi: 21 nước, châu Mỹ: 12 nước, châu Đại Dương: 3 nước, châu Âu: 2 nước. Sản phẩm từ cây chè có thị trường rộng lớn ở trên thế giới. Toàn thế giới có 115 nước sử dụng chè làm nước uống, gồm 28 nước châu Âu, 28 nước châu Mỹ, 29 nước châu Á, 34 nước châu Phi và 5 nước châu Đại Dương.
Trên thế giới có diện tích trồng chè khoảng 2,55 triệu ha. Ấn Độ là nước sản xuất chè lớn nhất, với sản lượng 870.000 tấn/năm. Nước sản xuất chè lớn thứ hai là Trung Quốc, với sản lượng đạt 685.000 tấn/năm. Sri Lanka và Kenya đứng thứ ba và thứ tư về sản lượng chè, tương ứng đạt 320.000 tấn/năm và 290.000 tấn/năm.
Theo FAO, trong 20 năm (1978-1998), sản xuất chè trên thế giới có xu hướng gia tăng. Sản lượng chè tăng từ 1,79 triệu tấn năm 1978 lên gần 3 triệu tấn năm 1998, tức là tăng khoảng 65%. Trong những năm gần đây, sản lượng chè trên thế giới đạt mức kỷ lục với khoảng 3 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng chè ở Trung Quốc tăng gấp đôi, sản lượng chè ở Kenya tăng gấp ba (dẫn theo Nguyễn Văn Toàn và nnk., 2007).
Ngoài sự cạnh tranh truyền thống giữa chè với cà phê cùng các đồ uống khác, với đà tăng trưởng như trên, các nước xuất khẩu chè càng cạnh tranh gay gắt với nhau. Theo FAO, chè có mức tăng chậm trong các loại đồ uống, xuất khẩu chè thế giới chỉ tăng gần 2% trong thập niên qua. Thị trường xuất khẩu chè có nhiều biến động. Trong 20 năm qua, thị phần xuất khẩu chè của châu Á từ 72% giảm xuống còn 64% năm 1998; thị phần châu Phi tăng từ 22% lên 33% trong cùng thời gian (dẫn theo Nguyễn Văn Toàn và nnk., 2007).
Trong thời gian gần đây, những nghiên cứu trên thế giới cho thấy uống chè có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đồng thời FAO cũng quảng cáo mạnh mẽ về tác dụng của chè đối với sức khỏe con người. Đây là yếu tố thay đổi cái nhìn mới đối với chè trên toàn thế giới. Ở các nước phát triển, những nước mà vấn đế sức khỏe được đặt lên hàng đầu, phần đông người tiêu dùng chuyển sang dùng chè theo xu hướng “chè với sức khỏe”. Do đó, chè an toàn và chè hữu cơ được sản xuất để phục vụ xu hướng này.
Việt Nam hiện có 131.500 ha chè. Sản lượng chè búp tươi năm 2008 đạt 753.000 tấn, tương đương 167.000 tấn chè khô (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2009).
Hàng năm, lượng chè xuất khẩu chiếm 70-80% tổng sản lượng chè trong nước. Giá chè xuất khẩu của chúng ta còn thấp, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường chưa ổn định (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2009).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất chè của Việt Nam còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm chè của Việt Nam chất lượng chưa cao, dư lượng một số hóa chất còn vượt quá mức cho phép do sử dụng lan tràn thuốc hóa học trừ sâu và phân bón hóa học, vệ sinh trong chế biến chưa tốt,...
Trên thế giới, nhiều nước đã tiến hành nghiên cứu sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ với chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngành Chè Việt Nam cũng không thể khác, muốn cạnh tranh được thị trường thì cũng phải nghiên cứu sản xuất chè an toàn với chất lượng cao. Cuốn sách “Cơ sở khoa học sản xuất chè an toàn, chất lượng” bước đầu cung cấp một số cơ sở khoa học để xây dựng hệ thống biện pháp sản xuất chè an toàn và chất lượng cao.
Bình luận