Bộ nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế
4.5
2062
Lượt xem
32
Đã bán
Chọn sản phẩm
1 Tháng
  • 1 Tháng
  • 3 Tháng
  • 6 Tháng
  • Vĩnh viễn
59.000₫
Thành tiền 59.000₫
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân
Người dịch:
Nhiều dịch giả, Trưởng nhóm Nguyễn Minh Hằng
Năm XB:
2022
Loại sách:
Ebook;
Khổ sách:
17 x 24 (cm)
Số trang:
697
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
Mã ISBN Điện tử:
978-604-330-136-6

Hợp đồng đã, đang và sẽ luôn là công cụ pháp lý quan trọng để thiết lập các mối quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh - thương mại. Mỗi quốc gia, vì vậy, đều xây dựng pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các thương nhân thực hiện các giao dịch kinh doanh. Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các cơ hội kinh doanh, đầu tư, hợp tác được mở rộng trên toàn thế giới, thì các thương nhân mỗi quốc gia đều phải đối mặt với các khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc đàm phán, soạn thảo và thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế. Các khó khăn, thách thức này phần lớn đến từ sự khác biệt giữa pháp luật hợp đồng của các quốc gia khác nhau. Các đối tác đến từ các quốc gia khác nhau có thể sẽ có quan niệm không giống nhau về điều khoản phạt, về các trường hợp được coi là bất khả kháng, về các thiệt hại được bồi thường, hay về trường hợp được hủy hợp đồng. Các quan niệm khác nhau, nếu không được thống nhất hay hài hòa hóa, thì dễ dẫn đến tranh chấp.

Mục đích của Bộ Nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế này, do Viện nghiên cứu quốc tế về thống nhất luật tư (Viện UNIDROIT) soạn thảo và ban hành, là tạo ra một khung pháp lý chung, một “bộ luật”, gồm các nguyên tắc và các quy định cụ thể, chi tiết cho các bên của hợp đồng thương mại quốc tế nhằm tránh các khó khăn, tranh chấp, rủi ro khi soạn thảo và thực hiện hợp đồng. Bộ Nguyên tắc này có mục đích là thiết lập một hệ thống hài hòa các quy phạm có thể được sử dụng trên toàn thế giới, tại mọi quốc gia cho dù quốc gia đó có truyền thống pháp lý và điều kiện kinh tế, chính trị như thế nào. Nhóm soạn thảo Bộ Nguyên tắc bao gồm nhiều chuyên gia (giáo sư luật, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên) nổi tiếng đại diện cho các vùng và/hoặc các hệ thống pháp luật quan trọng nhất trên thế giới trong lĩnh vực luật hợp đồng và luật thương mại quốc tế. Ngoài ra, nhóm soạn thảo còn có đại diện của các tổ chức quốc tế, các trung tâm hay hiệp hội trọng tài.

Phiên bản đầu tiên của Bộ Nguyên tắc này được ban hành năm 1994. Sau đó, Bộ Nguyên tắc được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2004, 2010 và 2016. Nếu lần sửa đổi, bổ sung năm 2014 giúp Bộ Nguyên tắc chứa đựng các quy định phù hợp cho giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thì với phiên bản năm 2016, các điều khoản mới về hợp đồng dài hạn tiếp tục được đưa vào. Đánh giá tổng thể, Bộ Nguyên tắc có hai đặc điểm chính về hình thức và nội dung như sau:

Về hình thức, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT được trình bày như một bộ luật gồm các chương, mục và các điều khoản; đặc biệt là sau các điều khoản đều có bình luận, cùng với các ví dụ minh họa để làm rõ cách hiểu cũng như cách áp dụng, rất thuận tiện cho tra cứu và áp dụng.

Về nội dung, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT bao gồm 211 Điều, được bố cục thành 11 Chương, đề cập đến hầu như tất cả các vấn đề pháp lý trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế: giao kết hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng, giải thích hợp đồng, nội dung của hợp đồng, thực hiện hợp đồng, các biện pháp áp dụng khi không thực hiện hợp đồng, quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng, bồi thường thiệt hại... Bộ Nguyên tắc này cũng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng như thẩm quyền đại diện, quyền của người thứ ba, chuyển giao quyền, chuyển giao nghĩa vụ, chuyển giao hợp đồng nghĩa vụ do nhiều người thực hiện và nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền. Một số lý thuyết và vấn đề mới trong pháp luật hợp đồng hiện đại cũng được đưa vào, ví dụ như lý thuyết về hardship (tạm dịch là “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”) hay các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng dài hạn.

Sau gần 30 năm ban hành, cộng đồng pháp lý và doanh nghiệp đánh giá cao giá trị nội tại của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT. Các nhà làm luật tại nhiều quốc gia đang phát triển đã tham khảo Bộ Nguyên tắc này để hoàn thiện pháp luật hợp đồng của nước mình. Các luật sư thường coi đây là một bộ luật mẫu có tính chất hướng dẫn để họ nghiên cứu, soạn thảo các hợp đồng thương mại quốc tế và tư vấn cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng Bộ Nguyên tắc này cho các hợp đồng thương mại quốc tế mà mình ký kết (hợp đồng mua bán, hợp đồng phân phối, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cung ứng thiết bị vệ tinh, hợp đồng bảo lãnh...). Đặc biệt, Bộ Nguyên tắc này thường được các Hội đồng trọng tài lựa chọn để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại quốc tế trong trường hợp các bên không lựa chọn hoặc không thống nhất được nguồn luật áp dụng1.

Sự thành công của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đã vượt qua cả dự đoán của những người lạc quan nhất. Một số lượng đáng kể các án lệ và các bài viết trong cơ sở dữ liệu UNILEX (http://www. unilex.info) đã chỉ rõ rằng Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đã được đánh giá, áp dụng và không gặp phải những khó khăn đáng kể nào khi áp dụng trong thực tiễn.

Tại Việt Nam, phiên bản năm 2004 của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đã được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt vào năm 2005 và được các luật gia, luật sư, trọng tài viên, thẩm phán, các chuyên gia pháp lý, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Việt Nam đón nhận, sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo để đọc và hiểu các thuật ngữ, điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế cũng như hướng dẫn những giải pháp để thực hiện các hợp đồng này. Một số chương trình đào tạo đại học, sau đại học và hành nghề luật cũng đã chứa đựng nội dung giảng dạy, nghiên cứu về Bộ Nguyên tắc UNIDROIT. Bộ Nguyên tắc UNIDROIT cũng đã được một số trọng tài viên tại Việt Nam áp dụng để giải thích, bổ sung cho Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) mà Việt Nam là thành viên. Những thành công bước đầu trong việc phổ biến và sử dụng Bộ Nguyên tắc này đã thúc đẩy Nhóm dịch tiếp tục thực hiện công việc chuyển ngữ đối với những quy định mới được bổ sung trong các phiên bản năm 2010 và 2016, từ đó, hy vọng giúp những người hành nghề luật đã, đang và sẽ sử dụng Bộ Nguyên tắc cập nhật được những thay đổi đáng chú ý của hai phiên bản này.

Lĩnh vực pháp luật hợp đồng là một lĩnh vực phức tạp, càng phức tạp hơn khi các thuật ngữ hợp đồng thường được hiểu không giống nhau theo các ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù nhóm biên dịch đã nỗ lực hết sức để chuyển tải nội dung văn bản này theo nghĩa sát nhất với bản gốc tiếng Pháp, những sai sót là không thể tránh khỏi. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến góp ý của các độc giả, các chuyên gia để hoàn thiện cuốn sách này trong các lần tái bản sau và trong các dự án để dịch các phiên bản tiếp theo của Bộ Nguyên tắc này.

Thay mặt nhóm biên dịch

Trưởng nhóm PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng

Bình luận

0/1500

Cùng chủ đề

Xem toàn bộ

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất